Tìm đầu ra ổn định cho ổi Linh Nham

Cuối năm 2019, sản phẩm Ổi Linh Nham, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) đã được công bố bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay của người trồng ổi trong xã là chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, nguồn thu chủ yếu của các hộ dân trong xã đều từ rau màu và cây ăn quả (thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm). Xã đã quy hoạch các vùng phát triển cây nông nghiệp, như: Trồng củ đậu tại xóm Núi Hột; trồng rau an toàn tại xóm Ngọc Lâm và Bến Đò; trồng ổi tại xóm Chử, Làng Phan, Tân Lập, Linh Thông Nhãn. Hàng năm, Đảng bộ xã đều xây dựng nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó xác định ổi là cây trồng mũi nhọn, sản phẩm chủ lực. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Nham”.
Cụ thể hóa nghị quyết, UBND xã và các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, hội viên cải tạo, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng quả ổi. Ngoài đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã vận động người dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, tiến tới hình thành HTX, giúp người trồng ổi bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, toàn xã có 85ha ổi (tăng 50ha so với năm 2008), trong đó có 12,5ha được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Theo báo cáo của xã, sau khi được công bố bảo hộ nhãn hiệu, giá trị quả ổi trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác đạt bình quân 90 triệu đồng/ha/năm, tăng 30-40% so với trước.
Ông Nguyễn Văn Hòa xóm Tân Lập, xã Linh Sơn là một trong 105 hộ được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Ổi Linh Nham”. Gia đình ông có khoảng 600 gốc ổi, trung bình mỗi tháng thu bán hơn 1,5 tấn ổi, cho thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng. Ông cho biết: Được công nhận thương hiệu, nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn là người trồng ổi không phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm, không còn cảnh được mùa, mất giá.
Lo lắng, trăn trở của ông Hòa cũng là tâm tư chung của các hộ dân trồng ổi ở Linh Sơn. Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, cán bộ khuyến nông xã cho biết: Việc sản xuất trên địa bàn chưa tập trung, diện tích phân bố rải rác, nhất là tiêu thụ tự phát, chưa có tổ chức giúp người dân đứng ra liên kết với các đầu mối tiêu thụ ổn định nên giá trên thị trường vẫn còn bấp bênh. Nhất là từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên xã cũng phần nào chậm trễ trong việc tìm và thống nhất mẫu mã bao bì cho thương hiệu “Ổi Linh Nham”. Đó là một trong những nguyên nhân khiến ổi Linh Nham chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ vào các siêu thị hay nhà hàng.
Được biết, ngay sau khi nhãn hiệu “Ổi Linh Nham” được cấp nhãn hiệu sản phẩm, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo gìn giữ, phát huy giá trị nhãn hiệu này để nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, UBND xã đã giao nhãn hiệu cho Hội Nông dân xã quản lý, đồng thời thành lập Tổ hợp tác Ổi Linh Nham với 75 thành viên. Các thành viên trong Tổ hợp tác thâm canh ổi theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xóm có diện tích lớn như: Núi Hột, Làng Phan, Linh Thông Nhãn, Tân Lập. Cùng với đó, xã đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn; tuyên truyền, định hướng vận động người dân tham gia thành lập các nhóm sở thích, tổ hợp tác, HTX để tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chị Trần Thị Mỹ Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục xác định nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, trong đó ổi vẫn là cây trồng mũi nhọn. Theo đó, Đảng bộ xã đề ra chỉ tiêu mỗi năm sẽ trồng mới 3-4ha ổi, kết hợp với việc cải tạo, thay thế những diện tích ổi lâu năm để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; phấn đấu năm 2025, thu nhập bình quân người dân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển các tổ hợp tác thành HTX liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao cạnh tranh trên thị trường, phấn đấu năm 2021, sẽ xây dựng thương hiệu “Ổi Linh Nham” thành sản phẩm OCOP, tạo đầu ra ổn định cho người trồng ổi.
Từ năm 2016, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, xã Linh Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Nham”. Qua quá trình thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Nham, xã Linh Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *