Đối với bà con xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên, cây ổi đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Với hương vị đậm, ngọt, giòn được trồng trên vùng đất sỏi, quả ổi nơi đây đã được nhiều người biết đến và tin dùng.
Sau nhiều năm gắn bó với cây ổi, Bà Nguyễn Thị Bích Huyền, HTX ổi Linh Nham, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm đưa ra thị trường. Với gần 1ha diện tích trồng ổi, Bà Huyền đã thường xuyên cải tạo đất bằng cách chăm sóc và bón cho cây ổi bằng phân hữu cơ. Bên cạnh đó, quy trình và thời gian chăm bón cây được bà ghi chép, cập nhật đầy đủ vào sổ theo dõi.
Bà Nguyễn Thị Bích Huyền – HTX ổi Linh Nham, xã Linh Sơn cho biết: “Tôi vẫn luôn tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân xã Ninh Sơn tổ chức, qua lớp tập huấn tôi đã về áp dụng với vườn ổi nhà mình, chăm sóc cây ổi để có hiệu quả. Ngoài ra, tôi sử dụng phân ủ, chăm bón cho vườn ổi, cách để tham gia và bọc những cái quả ổi để đạt chất lượng”.
Với hơn 15ha trồng ổi, HTX ổi Linh Nham đang sản xuất và thâm canh cây ổi theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ nên chất lượng ngày càng được nâng lên. Đây là sản phẩm được địa phương lựa chọn xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Anh Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Linh Sơn cho biết: “Để phấn đấu đạt sản phẩm Ocop thì hiện nay là Hội Nông dân xã Anh Sơn cũng đã tích cực tuyên truyền vận động và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ hội viên nông dân, thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân sản xuất những quả ổi đạt tiêu chuẩn chất lượng”.
Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm, đòi hỏi phải minh bạch quy trình sản xuất. Việc dán tem, sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc ổi Linh Nham là một giải pháp để khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm ổi. Đồng thời, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó yên tâm trong lựa chọn, sử dụng sản phẩm.